Tin Tức
2.000 nông dân Thái lái máy cày đi đòi nợ chính phủ
Reuters cho hay, các xe tải của nông dân miền trung chất đầy lương thực và đồ đạc, bởi có khả năng đến tối nay hoặc sáng mai họ mới lên tới Bangkok.
"Chúng tôi có đủ lương thực và đồ đạc để sẵn sàng ở lại bất kỳ đâu. Chúng tôi qua đêm ở đâu cũng được", một phụ nữ nói.
Mục tiêu của đoàn nông dân này là đòi chính phủ của Thủ tướng Yingluck thanh toán khoản tiền mua gạo đã nợ từ tháng 11 năm ngoái.
"Nếu không lấy được tiền, chúng tôi sẽ không quay về. Chúng tôi đã chờ đợi nhiều tháng rồi, đến giờ đã là 4-5 tháng. Chúng tôi chẳng còn gì để ăn nữa, nếu không chúng tôi đã chẳng đến đó làm gì", một nông dân tỉnh Uthai Thani nói.
Hôm 17/12, một nhóm nông dân khác chung cảnh ngộ cũng bao vây và thậm chí trèo hàng rào thép gai vào Tòa nhà Chính phủ để đòi gặp thủ tướng.
Chính phủ của bà Yingluck hiện nợ nông dân đến 4,3 tỷ USD theo chương trình trợ giá gạo. Bà khẳng định sẽ thanh toán đầy đủ các khoản nợ cho nông dân, nhưng thừa nhận chính phủ tạm quyền không có đủ khả năng pháp lý để tự quyết các vấn đề tài chính.
Thủ tướng khẳng định vô tội
Hôm 18/2, Ủy ban Chống Tham nhũng Thái Lan (NACC) đã đệ trình bản buộc tội Thủ tướng Yingluck tham nhũng trong chương trình trợ giá gạo. Ủy ban này cho hay bà đã phớt lờ những cảnh báo rằng chính sách lúa gạo trên có thể dẫn đến tham nhũng và gây thiệt hại về tài chính. Bà được triệu tập tới tòa để nghe cáo trạng vào ngày 27/2 tới.
Tuy nhiên, hôm nay, nữ lãnh đạo khẳng định rằng bà hoàn toàn vô tội trước những cáo buộc của NACC.
"Dù tôi bị cáo buộc phạm tội và có thể bị mất chức như những người muốn lật đổ chính phủ mong muốn, tôi vẫn sẵn sàng hợp tác để làm rõ sự thật", bà cho biết trên trang Facebook chính thức của mình.
Yingluck cũng yêu cầu NACC không vội vàng ra phán quyết và nhấn mạnh rằng, những khiếu nại tương tự đối với chính quyền trước đây vẫn đang được điều tra.
Phong trào đòi nợ của nông dân Thái Lan diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng chính trị đang leo thang càng làm tăng thêm áp lực cho Thủ tướng Yingluck, dù tầng lớp này hầu như không liên quan đến phong trào biểu tình chống chính phủ rộng lớn đang bao trùm Bangkok.
Người biểu tình đã xuống đường từ hơn ba tháng nay, chiếm các tòa nhà quan trọng của chính phủ và chặn đường các công chức đi làm. Chiến dịch tái chiếm các cơ quan chính phủ này tại thủ đô hôm 18/2 dẫn đến những cuộc đụng độ giữa cảnh sát và phe biểu tình, khiến 5 người thiệt mạng và 174 người bị thương.
Một tòa án dân sự Thái Lan hôm qua đã phê chuẩn tuyên bố tình trạng khẩn cấp của Thủ tướng Yingluck, nhưng cấm chính phủ sử dụng vũ lực để chống lại những cuộc biểu tình hòa bình. 16 người đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương suốt ba tháng qua.
Nguồn: vnexpress.net